May mặc đứng trước thách thức lớn

Trang chủ / Tin tức

Tin tức

May mặc đứng trước thách thức lớn

Trải qua hơn một thập kỷ phát triển mạnh, 2017 được đánh giá là năm mà ngành may mặc xuất khẩu đứng trước những áp lực lớn...

Nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, năm 2017 là năm không dễ dàng gì với ngành may mặc xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vì có nhiều biến động trên thị trường thế giới.

Đứng trước một năm được dự báo không mấy dễ dàng, các doanh nghiệp may mặc của tỉnh cũng đã chuẩn bị cho mình những ứng phó.

* Biến động đa chiều

Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với những biến động của thế giới hiện nay, ngành may mặc xuất khẩu trong năm 2017 chưa có nhiều điểm sáng hơn so với năm 2016.

Năm qua, kế hoạch xuất khẩu của ngành dệt may đề ra đầu năm là 31 tỷ USD, sau đó đã điều chỉnh xuống 29 tỷ USD nhưng vẫn không thể hoàn thành và chỉ đạt 28,3 tỷ USD, tăng gần 5% so với 2015. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành dệt may cũng ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Năm 2017, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 8,8% với kim ngạch xuất khẩu bằng mức đề ra đầu năm 2016 là 31 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai, chia sẻ: “Cuối năm 2016, khi tham dự hội nghị tổng kết ngành dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đưa ra đánh giá là năm nay sẽ còn tiếp nối khó khăn của năm trước”.

Điều này cũng thấy rõ, bởi hiện tại doanh nghiệp may mặc xuất khẩu đang phải đối mặt với rất nhiều biến động về thị trường, tỷ giá ngoại tệ so với USD, cạnh tranh giữa Việt Nam với Trung Quốc, đơn hàng dịch chuyển đến một số quốc gia: Myanmar, Bangladesh, Campuchia... Trong nước còn phải gánh hàng loạt chi phí khác tăng, như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cước vận chuyển....

Cũng theo ông Trí, các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nếu tính toán tốt thì vẫn duy trì được mức tăng trưởng, song về lợi nhuận sẽ khó đạt được cao.

* Khai thác lợi thế

Thông tin từ các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu trong tỉnh, dù đơn hàng đang đổ về các nước Campuchia hay Banglasesh gây ra áp lực cạnh tranh, song đến nay hầu hết các nhà sản xuất vẫn chủ động được nguồn hàng.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Tổng công ty may Đồng Nai (Donagamex), cho biết hiện doanh nghiệp đã ký hợp đồng sản xuất đến hết tháng 6-2017, nguồn hàng cho sản xuất khá tốt. Năm nay, Donagamex vẫn đặt ra mức tăng trưởng xuất khẩu là 10% so với năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến cũng cho hay, hiện doanh nghiệp đã có những mặt hàng ký hợp đồng đến hết quý III.

Theo ông Hoàng, nhiều năm qua Công ty cổ phần Đồng Tiến đi theo phương án đa dạng sản phẩm và đa dạng thị trường. Cụ thể, thị trường ở châu Âu chiếm 65%, Nhật Bản 25%, Mỹ và các thị trường khác 10%.

Năm 2016 khá khó khăn, nhưng doanh thu của Công ty cổ phần Đồng Tiến vẫn đạt như tính toán là 1.400 tỷ đồng. Năm nay, công ty xây dựng mức tăng trưởng từ 5-10% so với năm 2016. 

Ông Hoàng phân tích, trong bối cảnh sức ép cạnh tranh như hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải tính toán để vượt lên, cụ thể là khai thác những lợi thế tốt nhất của mình.

Cũng theo ông Hoàng, Trung Quốc có lợi thế là gần nguồn nguyên phụ liệu nên việc giao hàng nhanh, tuy nhiên giá nhân công của họ khá cao; các nước: Campuchia, Myanmar, Bangladesh giá lao động rẻ nhưng tay nghề công nhân may còn thấp nên khó cạnh tranh ở những phân khúc hàng trung và cao cấp.

“Theo tôi, mình phải phát huy triệt để lợi thế để thắng, đứng trước sức ép cạnh tranh thì doanh nghiệp sẽ phải nâng cao năng lực, cải tiến sản xuất để tồn tại” - ông Hoàng nói.