Bệnh heo tai xanh và các biện pháp phòng chống

Trại heo giống cao sản Nam Bộ Pig Holland

Nhà phân phối miền Bắc: Công ty CP Kinh doanh thuốc thú y Royalvet

Sự lựa chọn tin cậy của người chăn nuôi

0949.988.922 ( A.Quý ) 0981.110.568 ( A.Quý )

Bệnh heo tai xanh và các biện pháp phòng chống

Thực ra bệnh heo tai xanh không phải là bệnh mới lạ đối với phần lớn người nuôi heo tại Bến Tre. Các năm trước đây, bệnh đã từng xảy ra tại một số nơi trong tỉnh, tuy nhiên ở mức độ nhỏ, phạm vi hẹp và thiệt hại không lớn. Thế nhưng hiện nay (đến cuối tháng 9 này), bệnh đã và đang xảy ra trên diện rộng ở khu vực Nam Bộ hơn hai tháng nay và còn diễn biến phức tạp. Bệnh cũng đã xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre, làm cho người chăn nuôi hết sức e ngại. Một số thông tin sau đây nhằm giúp người chăn nuôi hiểu rõ hơn về căn bệnh hiện tại, có cách phòng trị, xử lý thích hợp để giảm thiểu thiệt hại một cách thấp nhất.
1. Về tác nhân gây bệnh
Vi rút gây bệnh có cấu trúc ARN thuộc giống
Arterivi rút, họ Arteriviridae, bộ Nidovirales
Bệnh tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở heo. Bệnh do một loại vi rút gây ra. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng sẩy thai ở heo nái chửa hoặc triệu chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở heo con cai sữa.
2. Cách sinh bệnh
Vi rút rất thích hợp với đại thực bào, nhất là đại thực bào hoạt động ở vùng phổi. Bình thường, đại thực bào sẽ tiêu diệt tất cả vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể; nhưng đối với bệnh PRRS, vi rút có thể nhân lên trong đại thực bào, sau đó phá hủy và giết chết đại thực bào. Số lượng đại thực bào tại phổi bị vi rút phá huỷ có thể lên đến 40%, sẽ làm giảm chức năng miễn dịch không đặc hiệu, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh khác xâm nhập gây bệnh kế phát ở hệ hô hấp. Heo chết thường là do nhiễm trùng kế phát các tác nhân bệnh khác như Dịch tả heo, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, E. coli, Streptococcus suis, Mycoplasma spp., Salmonella, v.v…
Đại thực bào bình thường
Đại thực bào bị phá hủy
3. Cách lây lan
Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh. Thời gian có thể kéo dài khoảng 5-15 ngày tùy theo sức khỏe của heo. Vi rút có thể phát tán thông qua các hình thức: vận chuyển heo mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số loài chim hoang...
Đặc điểm của các ổ dịch đang hoành hành tại khu vực Nam Bộ và Bến Tre
Đặc điểm của các ổ dịch năm nay là vi rút gây bệnh có độc lực cao hơn rất nhiều, tốc độ lây lan nhanh hơn. Mầm bệnh qua xét nghiệm là vi rút PRRS type II, qua giải mã gen của Cục Thú y cho biết, chủng gây bệnh tương đồng với chủng gây bệnh tại Trung Quốc, một chủng mới đột biến gần đây. Đây là cơ sở giải thích cho việc vì sao các trại có chích ngừa vắc xin tai xanh mà bệnh vẫn xảy ra: vì các vắc xin đều được chế từ chủng châu Âu hoặc chủng Bắc Mỹ nên không bảo hộ được trong đợt dịch này.
Về nguyên nhân phát sinh, theo nhận định của Cục Thú y do vi rút đã lưu hành rộng rãi trong đàn heo. Theo một khảo sát của Cơ quan Thú y vùng VI, tỉ lệ lưu hành vi rút trong đàn heo tại các tỉnh phía Nam chiếm tỉ lệ trên 40%. Khi gặp điều kiện thời tiết như mưa dầm liên tục kéo dài, lạnh, ẩm, sức chống chịu của đàn heo giảm sút, thì các vi rút này phát triển và phát sinh thành ổ dịch. Sau đó bệnh lan rộng ra mà yếu tố lây lan chính là do thương lái đi thu mua heo từ chuồng nuôi này sang chuồng nuôi khác hoặc do thú y cơ sở đi điều trị nhưng không đảm bảo biện pháp ngăn ngừa an toàn sinh học.
Vi rút đợt dịch này có độc lực rất cao: các mẫu lấy được tại Bến Tre đều dương tính ngay cả khi chưa thấy biểu hiện lâm sàng và bệnh tích điển hình như các ổ dịch trước đây. Điều này gây khó khăn cho việc xác định bệnh trong giai đoạn đầu để có biện pháp phòng trị thích hợp.
4. Biểu hiện bệnh
Vi rút gây ra biểu hiện lâm sàng ở hai trạng thái sinh sản và hô hấp.
- Ở heo nái có biểu hiện: biếng ăn, lười uống nước, mất sữa và viêm vú, đẻ sớm, da biến màu (màu hồng), lờ đờ hoặc hôn mê, thai khô hoặc heo con chết ngay sau khi sinh.
Heo nái sốt cao, đờ đẫn, hôn mê
- Ở heo con theo mẹ: thể trạng gầy yếu, mắt có ghèn màu nâu, da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, ủ rũ, run rẩy. Heo con yếu, tai chuyển màu tím xanh. Tỉ lệ chết ở đàn con có thể tới 100%.
Heo có biểu hiện tai màu tím xanh
- Ở heo cai sữa và heo vỗ béo: những biểu hiện ban đầu thường là da đỏ ửng hoặc mắt sưng đỏ. Khi bệnh tiến triển, có thêm những bệnh tích đặc biệt trên da hoặc trên tai (tỉ lệ chết từ 20-70%). Heo bệnh ban đầu sốt đỏ ửng toàn thân
5. Cách phát hiện bệnh
Các biểu hiện của bệnh thường không đặc trưng và dễ nhầm lẫn khi kế phát với các bệnh khác. Để phát hiện heo bệnh tai xanh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn heo nuôi và sử dụng định nghĩa ca bệnh lâm sàng theo Cục Thú y như sau:
1. Heo sốt cao trên 40oC.
2. Khó thở.
3. Có những vết bầm, thâm tím trên da, tai tím xanh.
4. Heo ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh.
Trong thực tế chăn nuôi, khi người nuôi thấy các dấu hiệu sau đây:
- Heo chích kháng sinh nhiều ngày không giảm
- Có nhiều heo nái sẩy thai, hoặc sốt nằm đờ đẫn, hôn mê
- Heo con, heo cai sữa cả đàn có biểu hiện ửng đỏ toàn thân hoặc tai tím bầm là phải nghi ngờ heo bị tai xanh !
6. Biện pháp xử lý
Trước tiên là không nên quá hoang mang lo lắng khi thấy heo bị bệnh. Vì không phải tất cả heo bệnh đều mắc bệnh tai xanh. Thống kê gần đây (30/8/2010) của Cơ quan Thú y vùng VII tại 12 tỉnh đang có bệnh heo tai xanh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thì tỉ lệ bệnh là 3,25%. Trong đó, ngay cả tỉnh đang có dịch trầm trọng như tỉnh Tiền Giang thì tỉ lệ bệnh này chỉ xấp xỉ 10%. Do vậy, khi thấy có hiện tượng heo sốt, bỏ ăn thì trước tiên người nuôi nên tích cực chăm sóc, điều trị. Trường hợp điều trị nhiều ngày không khỏi hoặc có heo chết thì nên báo cho nhân viên thú y xã để có được hướng dẫn hoặc xử lý, hỗ trợ thích hợp.
Có thể điều trị được bệnh heo tai xanh hay không?
Bệnh do vi rút gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để trị tiệt căn bệnh. Việc sử dụng thuốc điều trị có tác dụng làm giảm triệu chứng hoặc chống bội nhiễm các bệnh khác mà không diệt ngay được vi rút bệnh. Nếu không bị bội nhiễm bệnh khác gây chết, cơ thể heo sẽ tự tạo được kháng thể tự nhiên chống lại vi rút PRRS và heo dần hồi phục. Thực tế cho thấy, các trại nuôi có qui trình vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ, qui trình tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như Dịch tả, Tụ huyết trùng, Thương hàn, Suyễn heo đầy đủ thì kể cả khi có bệnh phát sinh cũng chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ và khả năng khỏi đạt đến 90% nếu được chăm sóc điều trị hợp lý.
Qua thực tế theo dõi việc chăm sóc, điều trị heo bệnh tại một số trang trại thời gian gần đây, chúng tôi giới thiệu đến người chăn nuôi một phác đồ điều trị gợi ý như sau:
- Trước tiên phải cách ly số heo bệnh, chăm sóc tốt, giữ chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát.
- Nếu heo có biểu hiện sốt: tiêm kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, (tức các loại kháng sinh có tác dụng chống nhiễm khuẩn trên đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục…) và là loại kháng sinh có tác dụng kéo dài (tức các kháng sinh có thời gian lưu trữ lâu trong cơ thể từ 48 giờ trở lên, các kháng sinh này thường được ghi ký hiệu trên nhãn với chữ L.A. in hoa). Việc tiêm các kháng sinh L.A. này sẽ giảm thiểu số lần tiêm giúp cho heo ít bị áp xe hơn, dễ hấp thu thuốc hơn. Không nhất thiết phải mua các kháng sinh nhập đắt tiền vì đối với bệnh này, kháng sinh chỉ có tác dụng ngăn bội nhiễm chứ không phải là thuốc điều trị chủ lực.
- Pha Vitamin C + Glucose hoặc Eletrolytes hoà nước cho uống hàng ngày để nâng cao sức đề kháng cho heo.
- Nếu heo sốt cao: sử dụng thuốc hạ sốt (như Paracetamol, AnaginC...), còn trường hợp thở khó thì dùng thuốc long đờm, trợ hô hấp (như Bromhexin).
Bệnh có thể khỏi từ 5-15 ngày tùy thuộc vào sức khỏe đàn heo, qui trình tiêm phòng đầy đủ các bệnh trước đó.
7. Về phòng bệnh
- Chủ động phòng bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như:
+ chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát;
+ tăng cường chế độ dinh dưỡng cho heo;
+ mua heo giống từ những cơ sở đảm bảo;
+ hạn chế người tham quan; không mượn dụng cụ chăn nuôi của các trại khác;
+ Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi: có thể định kỳ sát trùng chuồng 1 tuần 2 lần bằng các loại thuốc sát trùng thích hợp, không ảnh hưởng đến hô hấp khi heo hít phải.
- Chú ý tiêm phòng vắc xin đầy đủ các bệnh nguy hiểm thường kế phát bệnh tai xanh như: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Thương hàn, Suyễn heo. Có nên sử dụng vắc xin tai xanh để phòng bệnh hay không ?
Hiện nay có 4 loại vắc xin đang lưu hành tại VN:
- Hai loại đầu là vắc xin nhược độc BSL-PS100 (Bestar – Singapore) và Amervac PRRS (HIPRA - Tây Ban Nha) được đăng ký vào những năm 2000 sau khi đàn heo trong nước phát hiện dương tính với vi rút gây tai xanh vào cuối năm 1996.
- Đến năm 2007 và 2008, khi dịch tai xanh bùng lên dữ dội thì có thêm hai loại vắc xin khác được khảo nghiệm là vắc xin tai xanh vô hoạt chủng NVDC-JXA1 của Trung Quốc và vắc xin tai xanh nhược độc Ingelvac PRRS MLV của hãng Boehringer Ingelheim VET của Đức sản xuất.
- Mặc dù các loại vắc xin trên đều đang được phép sử dụng trong nước, nhưng do chưa có hiệu nghiệm thực sự, sau khi tiêm heo vẫn có thể mắc tai xanh, nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chính thức khuyến cáo nông dân sử dụng.
- Việc sử dụng chủ yếu là do nhu cầu của các chủ trại, ai thích dùng thì dùng (không như vắc xin phòng chống cúm gia cầm là do nhà nước bỏ tiền mua và bắt buộc các địa phương phải tiêm phòng).
Hiện Cục Thú y vừa mới nhập về hơn 200.000 liều vắc xin tai xanh nhược độc (vắc xin sống chủng NVDC-JXA1) của Trung Quốc để tiêm khảo nghiệm tại các tỉnh đang xảy ra dịch. Bến Tre mới đây đã được phân bổ 10.000 liều dự kiến sẽ tổ chức tiêm khảo nghiệm tại một số trang trại ở các xã, huyện chưa xảy ra dịch, hy vọng sớm có vắc xin giúp người chăn nuôi ứng phó với dịch tai xanh.
Hiện nay ăn sản phẩm, thịt heo có an toàn hay không?
Hiện nay, dịch tai xanh xảy ra trên đàn heo làm cho người tiêu dùng có tâm lý lo ngại và không dám sử dụng các sản phẩm từ heo. Thật ra không nên quá lo lắng như vậy vì lý do như sau:
1) Gây bệnh tai xanh trên heo là một loại vi rút thường được gọi là vi rút PRRS và thực tế vi rút này chỉ gây bệnh cho heo mà không gây bệnh cho con người.
2) Kể cả những nơi đang có dịch trầm trọng (như tỉnh Tiền Giang hiện nay chẳng hạn) thì không phải tất cả các con heo đều bị nhiễm bệnh tai xanh. Trong đó có nhiều con heo khỏe mạnh thì đến lúc này người ta vẫn sử dụng giết mổ bình thường.
3) Vi rút rất dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao trên 70 độ C, do đó vẫn không có gì phải ngán ngại nếu thịt hoặc sản phẩm heo đã qua chế biến và nấu chín kỹ.
Như vậy, làm thế nào để người tiêu dùng nhận biết thịt heo có bệnh tai xanh hay không?
Cách tốt nhất là người tiêu dùng nên tìm mua thịt heo đã được qua kiểm soát của cơ quan thú y và đã được lăn dấu lên trên thân thịt, tại những quày sạp mua bán quen thuộc. Không nên ham rẻ, mua tại lề đường, ngõ xóm rất dễ gặp phải heo bệnh.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể phân biệt được thịt heo tốt, khỏe và thịt heo bệnh, chết nếu khi mua quan sát và lựa chọn kỹ .
Trên da của miếng thịt heo tốt khỏe phải trắng đều, không có điểm tụ máu, hoặc màu sắc khác. Thịt khi cắt ra thì mặt cắt phải khô và đồng nhất, không có những màu sắc khác, ví dụ như những điểm tụ máu, tím bầm là không tốt. Khi ấn tay vào, thịt phải có sự đàn hồi, bề mặt hơi dính; nếu ấn tay vào lõm, không nhả ra được hoặc có nước chảy ra thì đấy là thịt heo bệnh. Thịt heo bệnh thường không để được lâu, nếu trong thời tiết nóng nực dễ bị ôi thối.
Thịt heo tốt có màu hồng tươi, mặt cắt khô ráo, không có điểm tụ máu.
Ngoài ra, trong thời gian này, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại thực phẩm chưa qua chế biến chín như: tiết canh, các món gỏi, tái, nem chua… Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thịt cũng như phủ tạng của heo đều phải được chế biến chín.
Heo được kiểm soát tại các lò mổ như thế nào ?
Heo đưa đến lò mổ được nhân viên thú y tại lò mổ thực hiện kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh theo Quy trình kiểm soát giết mổ động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qui định.
Trước khi đưa vào giết mổ:
- Nhân viên thú y kiểm tra lâm sàng tình trạng sức khoẻ và vệ sinh đối với heo đưa vào giết mổ.
- Đối với heo được vận chuyển từ các huyện hoặc tỉnh khác đến còn phải được kiểm tra có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ.
Trong khi giết mổ:
Heo được kiểm soát chặt chẽ theo nguyên tắc sau:
1. Kiểm tra vệ sinh: thân thịt phải được vệ sinh sạch sẽ, không dính lông, phân và các chất bẩn khác, chọc tiết phải đảm bảo ra hết máu;
2. Kiểm tra phẩm chất thịt: thân thịt phải có phẩm chất tốt, màu sắc, mùi đặc trưng; khám và phát hiện những biểu hiện khác thường và những triệu chứng bệnh lý;
3. Phủ tạng phải được vệ sinh sạch sẽ, thân thịt con nào phải để liền phủ tạng con đó hoặc đánh số để việc kiểm tra được thuận tiện, tránh nhầm lẫn;
4. Phủ tạng phải được khám tuần tự từng bộ phận, tránh thiếu sót; khám và phát hiện những biểu hiện khác thường, những triệu chứng bệnh lý;
5. Các yêu cầu trong công tác kiểm tra: kiểm tra thân thịt sau khi giết mổ phải được tiến hành ngay sau khi hoàn thành việc giết mổ nhằm phát hiện ngay bất kỳ sự bất bình thường nào của thân thịt; khi kiểm tra nếu phát hiện thấy có bệnh tích nghi ngờ thì phải đưa tới khu vực riêng (khu xử lý) để kiểm tra lại lần cuối, sau đó mới đưa ra quyết định xử lý.
6. Kết quả kiểm tra sau khi giết mổ phải cung cấp được các thông tin cần thiết để đánh giá một cách khoa học các tổn thương bệnh lý có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng của thịt.
Sau khi giết mổ
- Heo đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y được đóng dấu hoặc lăn dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt, được phép cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật
- Heo không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y sẽ bị đóng dấu xử lý hoặc dấu hủy và được nhân viên thú y giám sát xử lý, tiêu hủy.
Tóm lại
Theo qui luật dịch bệnh thì dù sớm hay muộn thì dịch tai xanh cũng sẽ chấm dứt.
Còn theo qui luật cung cầu của thị trường thì nhu cầu thịt heo cũng sẽ tăng trở lại và kéo theo nhu cầu chăn nuôi tăng, nhu cầu con giống tăng theo. Dự báo con giống heo trong thời gian tới có thể trở nên khan hiếm nếu trong thời gian này đàn giống không được gìn giữ hoặc bán, hủy hết.
Thời điểm này là lúc người chăn nuôi cần hết sức bình tĩnh, tránh hoang mang lo lắng, nên tích cực chăm sóc điều trị khi đàn heo có bệnh và nhất là cố gắng duy trì đàn giống tốt.

Tag: |

TRẠI HEO GIỐNG CAO SẢN NAM BỘ PIG HOLLAND
Địa chỉ: Ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Nhà phân phối miền Bắc: Công ty CP Kinh doanh thuốc thú y Royalvet
Địa chỉ: Số nhà 40, đường Bà Triệu, phường Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương

Điện thoại: 0320 6250 114 (C.ty)  /  0981 110 568 - 0949 988 922 (A.Quý)

Back to top

Facebook Google + Twitter

39604 Online : 12

Designed by Viet Wave