Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, viên nén là mặt hàng mới nổi của ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này chỉ mới phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, thế nhưng hiện nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, với lượng xuất khẩu mỗi năm trên 3 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 400 triệu USD.
Xuất khẩu viên nén của Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng. Riêng năm 2021, lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 413 triệu USD. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường tiêu thụ viên nén lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến trên 95% tổng lượng viên nén xuất khẩu.
Đến nay, quy mô xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào Nhật Bản và Hàn Quốc gần như ngang bằng nhau. Năm 2021, lượng viên nén xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm 56% và Nhật Bản chiếm 43,8%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thị trường Nhật Bản mạnh và ổn định hơn nhiều so với thị trường Hàn Quốc. Theo nhìn nhận của ngành chức năng, trong tương lai, nhu cầu viên nén của thị trường Nhật Bản sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay. Do đó, viên nén của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường rất lớn tại Nhật Bản.
Dây chuyền sản xuất viên nén của Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giá xuất khẩu viên nén sang thị trường Nhật Bản cũng ổn định hơn nhiều so với giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng về giá tại thị trường Hàn Quốc mạnh hơn rất nhiều so với Nhật Bản. Cụ thể, những tháng đầu năm 2020 mức giá xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc chỉ đạt khoảng 70% mức giá xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, tuy nhiên, vào cuối quý IV/2021, khoảng cách khác biệt kia là không còn.
“Những tháng đầu năm 2022, giá viên nén xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng mạnh. Một số đơn vị đã ký được các đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có giá 150 - 160 USD/tấn. Giá xuất khẩu viên nén sang Nhật Bản cũng tăng, dao động từ 140 - 145 USD/tấn”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Hiện nay, Việt Nam có 83 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu viên nén và trên 300 cơ sở sản xuất viên nén. So với nhu cầu xuất khẩu, Việt Nam có lực lượng doanh nghiệp sản xuất viên nén khá yếu, quy mô xuất khẩu chỉ tập trung ở một số công ty lớn. Trong 83 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu viên nén hiện nay, chỉ có 8 công ty có lượng viên nén xuất khẩu trên 100.000 tấn/doanh nghiệp. Lượng xuất khẩu trong năm của 8 doanh nghiệp này chiếm gần 2/3 (67%) tổng lượng viên nén xuất khẩu của 83 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Trong đó, có 3 đơn vị có lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn và đặc biệt có 1 doanh nghiệp có lượng viên nén xuất khẩu rất lớn, gần 714.000 tấn, chiếm đến 20% tổng lượng viên nén xuất khẩu của cả nước.
Cành, nhánh của gỗ rừng trồng là nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén. Ảnh: V.Đ.T.
Nguồn nguyên liệu đầu vào của sản xuất viên nén chủ yếu là gỗ cành, ngọn của gỗ rừng trồng và phụ phẩm trong chế biến gỗ xuất khẩu như mùn cưa, dăm bào, đầu mẩu gỗ… Nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất viên nén hầu hết được huy động tại chỗ chứ không thể mua từ xa. Nguyên nhân là do lợi ích từ sản xuất và thương mại mặt hàng này không bù đắp được chi phí vận chuyển nguyên liệu từ vùng này sang vùng khác với khoảng cách địa lý xa.
Viên nén từ phụ phẩm của ngành chế biến gỗ hầu hết được sản xuất tại các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, những nơi có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ tập trung. Dù miền Nam là trung tâm chế biến đồ gỗ nhưng là vùng có ít diện tích rừng trồng, nên nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất viên nén từ cành, ngọn gỗ rừng trồng không có, phải sử dụng phụ phẩm của ngành chế biến gỗ. Viên nén được sản xuất từ cành, ngọn gỗ rừng trồng của Việt Nam chủ yếu tập trung tại miền Bắc và miền Trung, những nơi có nhiều diện tích rừng trồng.
Do được xem là sản phẩm phụ, nguồn nguyên liệu là phụ, phế phẩm trong chế biến gỗ và gỗ rừng trồng, nên các cơ quan chức năng của Việt Nam không yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải khai báo nguồn gốc gỗ nguyên liệu của sản phẩm, tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp thực hiện thủ tục khai báo.
Trong nhà máy sản xuất viên nén của Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
“Hiện nay, một số nhà nhập khẩu lớn của thị trường Nhật Bản đã yêu cầu viên nén của Việt Nam cần có chứng chỉ FSC, viên nén phải được sản xuất từ nguyên liệu của rừng trồng có chứng chỉ bền vững. Trong khi diện tích rừng trồng sản xuất có chứng chỉ FSC ở Việt Nam hiện chỉ có khoảng 186.000ha; trong đó, diện tích cho khai thác mới chỉ chiếm khoảng 40 - 50% nên lượng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC đưa vào làm viên nén còn hạn chế, tập trung ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, những vùng có nhiều diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC”, ông Đỗ Xuân Lập cho hay.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Lập, ngày 8/3 vừa qua, Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ, trong đó có viên nén và gỗ tròn để trả đũa các lệnh trừng phạt của các nước châu Âu về xung đột giữa Nga và Ukraine, lệnh cấm này sẽ được duy trì đến cuối năm 2022. Với lệnh cấm này, viên nén xuất khẩu từ Nga được coi là bất hợp pháp. Theo đó, nguồn cung viên nén từ Nga với 2,4 triệu tấn/năm đang đứt đoạn, thị trường nhập khẩu viên nén trên thế giới phải tìm nguồn cung thay thế, đây là cơ hội để xuất khẩu viên nén của Việt Nam phát triển.
Những vùng không có diện tích gỗ rừng trồng thì phế phẩm trong chế biến gỗ xuất khẩu như mùn cưa, dăm bào, đầu mẩu gỗ… là nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén. Ảnh: V.Đ.T.
Với số lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn, viên nén đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam. Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới bởi nhu cầu của thị trường sẽ còn tiếp tục tăng. Để phát triển bền vững, Việt Nam cần cơ chế kiểm tra, giám sát khâu sản xuất viên nén, bảo đảm sản phẩm hợp pháp. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần có thông tin về chuỗi cung sản xuất, bao gồm thực trạng sản xuất, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, thông tin về lao động, môi trường, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ sở sản xuất.
“Trong thời gian tới, ngành chức năng cần tạo điều kiện để hình thành Chi hội sản xuất và xuất khẩu viên nén Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Chi hội này sẽ là cầu nối thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, giữa các doanh nghiệp trong nước và thị trường nhập khẩu. Chi hội còn có nhiệm vụ kết nối thông tin cung - cầu nhằm minh bạch hóa chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt với thông tin thị trường, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh bền vững”, ông Đỗ Xuân Lập đề xuất.
CƯỜNG QUỐC PHÁT - Giá tốt luôn dành cho bạn
Chất lượng và uy tín hàng đầu
Hotline