Tranh luận với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về diện tích rừng tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội năm 2020, nữ Đại biểu Quốc hội Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp cho biết, trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp, Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.
Nữ đại biểu Quốc hội Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp.
Theo ĐBQH Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp, hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng.
“Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”, nữ đại biểu Quốc hội Gia Lai nói.
Tuy nhiên, trong báo cáo về độ che phủ rừng giai đoạn 2011 - 2019, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, quy định về rừng được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ và PTR năm 2004 và khoản 3 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Theo đó, rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.
Về tiêu chí xác định rừng, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, hiện nay, cây hạt tiêu, cây cà phê không được tính vào tỷ lệ che phủ rừng.
Cây cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỷ lệ che phủ rừng.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cây cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. (Ảnh: I.T)
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, việc kiểm kê rừng thực hiện theo cấp chính quyền gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi toàn quốc để xác định hiện trạng diện tích, trữ lượng rừng, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp; điều chỉnh, bổ sung cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng.
Việc kiểm kê rừng được thực hiện 10 năm một lần phù hợp với thời điểm kiểm kê đất đai.
Theo kết quả kiểm kê rừng, từ năm 2011 đến 2019, diện tích rừng tăng 1.094.156 ha, từ 13.515.064 ha năm 2011 lên 14.609.220 ha vào năm 2019, trung bình mỗi năm tăng 121.684 ha rừng.
Tỷ lệ che phủ rừng tăng tương ứng là 2,19%, từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% vào năm 2019, bình quân mỗi năm tỷ lệ che phủ rừng tăng 0,24%.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2017, sau khi Ban bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW đến nay, các Bộ, ngành trung ương và địa phương rà soát chặt chẽ với 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích đề nghị là 183.740 ha, trong đó: rừng tự nhiên 39.133 ha, rừng trồng 74.242 ha, đất chưa có rừng 13.816 ha, diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 56.550 ha.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án theo đúng quy định pháp luật, thực sự cấp thiết đảm bảo hiệu quả kinh tế- xã hội, môi trường và dự án quốc phòng, an ninh đối với 133 dự án, chiếm 3,66% dự án đề xuất; với diện tích 3.325 ha, chiếm 1,81% diện tích đề xuất (rừng tự nhiên 1.581 ha, rừng trồng 1.582 ha, đất chưa có rừng 164 ha), trong các dự án này, không có dự án mở mới xây dựng công trình thủy điện.
"Việc kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng đã góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên. Tất cả các công trình có chuyển mục đích sử dụng rừng đều phải thực hiện nghĩa trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật" - ông Nguyễn Quốc Trị khẳng định trong báo cáo.
Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, cây hạt tiêu, cây cà phê không được tính tỷ lệ che phủ rừng. Ảnh: I.T
Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho rằng, tuy có nhiều tiến bộ nêu trên nhưng công tác bảo vệ rừng vẫn còn một số tồn tại sau: Tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra , còn điểm nóng về phá rừng, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Nguyên nhân là do tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi, người dân phá rừng để lấy đất trồng rừng, chuyển sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.
Chính quyền cơ sở ở một số nơi còn thiếu kiên quyết để ngăn chặn việc phá rừng. Đầu tư cho công tác bảo vệ rừng còn thấp, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp yếu kém, bất cập.
Vì vậy, để phát triển bền vững, hiệu quả trong thời gian tới, theo Tổng cục Lâm nghiệp, Nhà nước cần phải tiếp tục quản lý chặt chẽ, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có; tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, nhất là để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội, thủy điện, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế trước mắt thiếu bền vững.
Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Chương trình đầu tư công về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 để duy trì, phát huy kết quả Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven biển và mặt nước (327), Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình mục tiêu bảo vệ phát triển rừng 2011-2020, đồng thời khắc phục hạn chế, yếu kém, tồn tại nêu trên.
-ST-
Trụ sở chính: 23 Lô B, Đường Số 1, Phường Phú Thuận, Quận 7. TP. HCM
VPĐD: Villas KL 21, Khu Biệt Thự Kim Long, Nguyễn Hữu Thọ, Phước Kiển, Nhà Bè, TP. HCM
NMSX I: Lô B7, Đường Số 4, Khu Công Nghiệp Nghị Xuân, TP. HCM
NMSX II: Lô 5, Đường Số 1, KCN Gò Dầu, Phước Thái, Long Thành, ĐN
Hotline: 18006126 (Miễn phí)
Email: info@ccv.vn
Website thuộc Tập đoàn Con Cò Vàng Hi-Tech:
. Web giới thiệu về Tập đoàn: https://ccv.vn/
. Web mua phân bón trực tuyến: https://ccvstore.vn/
Hotline