ThaiFex 2018: Kết nối hơn 60 đối tác quốc tế với doanh nghiệp Việt Nam
Trong ngày 30/5, một sự kiện gây chú ý, thu hút các doanh nghiệp quốc tế tại Hội chợ Thực phẩm - Đồ uống ThaiFex 2018, đó là việc đoàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - ASEAN và các quốc gia khác trên thế giới cùng phát triển thị trường”. Tại đây, đã có hàng trăm lượt gặp gỡ, tìm hiểu, tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt với các đối tác thông qua hoạt động B2B Matching.
Hội thảo này do Hội DN HVNCLC, Dự án Bộ tiêu chí - Chuẩn hội nhập cùng Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức. Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp Việt đã chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm trong việc sản xuất sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn, cách khai thác thị trường, giá trị của các sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam,… để các đối tác, nhà phân phối quốc tế nắm bắt, qua đó có chọn lựa để tiến hành tìm hiểu, hợp tác.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit chia sẻ về việc phát triển, sản xuất sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp này nói riêng cũng như ngành nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nói chung tại hội thảo kết nối sáng 30/5
Trong đó phải kể đến các phần trình bày về bước đột phá của Việt Nam trong việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đang tăng mạnh trong những năm gần đây; kinh nghiệm chinh phục thị trường Singapore của doanh nghiệp Cỏ May, Đồng Tháp; triển vọng của ngành bán lẻ châu Á, nhất là khu vực Asean.
Đặc biệt, Đại sứ về Chỉ dẫn địa lý tại châu Á, ông Pascal Billaud đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông nghiệp và cách phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý ở Thái Lan.
Đây đây chính là thông tin để các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam tham khảo cho việc phát triển sản phẩm được cấp chứng nhận địa lý của Việt Nam.
Đại sứ về Chỉ dẫn địa lý tại châu Á, ông Pascal Billaud chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm chỉ dẫn địa lý.
Phần được quan tâm nhất sau hội thảo này chính là hoạt động B2B Matching giữa 13 doanh nghiệp Việt với hơn 60 doanh nghiệp Asean và các quốc gia khác trên thế giới.
Ông Huỳnh Nguyễn Khang Duy, giám đốc XNK công ty cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa, Cần Thơ chia sẻ: "Đến buổi B2B kết nối này chúng tôi mong mình sẽ tìm được lượng khách hàng lớn, đem lại doanh thu cho công ty. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn giới thiệu những mặt hàng độc đáo của Cần Thơ cho thế giới biết. Mặt hàng cá thác lác này trên thế giới không nhiều nước sản xuất. Tại khu vực ASEAN, có Việt Nam, Thái Lan và một số nơi của Indonesia làm. Nhưng loại cá thác lác của các nơi này cũng khác nhau. Tuy nhiên, sản phẩm cá thác lác kim sa của chung tôi bên trong là nhân chứng vịt muối được khách hàng tại Thaifex đánh giá rất cao. Đây là sản phẩm được Vườn ươm công nghệ Hàn Quốc tại Cần Thơ cấp chứng chỉ. Tại Việt Nam chỉ mình Phạm Nghĩa sản xuất mặt hàng này.
Hôm qua chúng tôi đã gặp ông tỷ phú Soofeen Hu – Hồng Kông, và ông đánh giá cao sản phẩm của chúng tôi. Bên cạnh đó, một số khách hàng ở Úc, Nhật, Thái Lan, Malaysia họ cũng muốn chúng tôi báo giá và tìm hiểu về sản phẩm".
Các doanh nghiệp của đoàn doanh nghiệp Việt gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp khu vực Asean và Thế giới sáng 30/5
Ông Norachai Ratanabanchuen – Trợ lý Phó giám đốc Tập đoàn CP Food Thái Lan nói: “Tôi nghĩ hình thức B2B rất hữu ích không chỉ cho doanh nghiệp Việt Nam mà còn đối với những đơn vị như chúng tôi. Chúng tôi đến đây còn được nói chuyện, bàn luận với những nhà cung cấp một cách trực tiếp và có thêm những chỉ số cụ thể về sản phẩm. Chúng tôi đã đến những gian hàng và thử từng mẫu sản phẩm tại các gian hàng Việt Nam. Tôi thấy các doanh nghiệp này sản xuất các mặt hàng khá tốt. Tôi nghĩ lần sau sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt hơn nữa tham gia vào hoạt động B2B, đáp ứng được sự mong đợi của các doanh nghiệp, nhà phân phối quốc tế.
Thực ra, hầu hết những nhà cung cấp đã có những sản phẩm tốt rồi, nên ý chính là sự nhấn mạnh của sản phẩm mà thôi. Ví dụ như sản phẩm mà các bạn cho chúng tôi xem, là những sản phẩm thực sự tốt và mong muốn có thể làm ăn với nhau trong tương lai. Có một vài sản phẩm đã lấn sang những nhà sản xuất Thailand nhưng tôi nghĩ vẫn còn chỗ cho những nhà cung cấp việt nam để cạnh tranh, ví dụ là con cá basa chẳng hạn. Họ đủ sức để cạnh tranh với doanh nghiệp Thái Lan trong cùng lĩnh vực"
Bà Lê Thanh Diễm - Trưởng phòng kinh doanh, công ty bột thực phẩm Tấn Sang đánh giá rằng Hội thảo kết nối này thực sự đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong đoàn Việt Nam tại Thaifex năm nay.
“Bản thân tôi trước khi vào bàn kết nối với các đối tác Thái Lan đã khảo sát giá những sản phẩm cùng lĩnh vực, tôi thấy rằng mức giá mình đưa ra cho họ là phù hợp. Tôi cũng nhận thấy những sản phẩm bột chiên của Thái Lan có độ béo nhiều hơn do có nước cốt dừa trong đó và vị của họ cứng hơn. Còn sản phẩm của chúng tôi thì có độ giòn và xốp. Phía đối tác cũng muốn chúng tôi cam kết rằng khả năng cung ứng phải đảm bảo số lượng lớn cho họ…”, bà Diễm chia sẻ.
Một số hình ảnh về buổi Matching B2B của đoàn DN Việt tại Thifex 2018
Bài: Anh Tuấn, ảnh: Kim Chi