Một năm học nữa đã trôi qua và tôi lại sắp bước tiếp trên con đường vào đại học của mình. Có thể nói giao lưu văn hóa là bước ngoặt lớn và thành công nhất trong cuộc đời của tôi.
Tôi tình cờ biết đến chương trình giao lưu văn hóa là do một người họ hàng con tham gia trước đó. Từ lúc đăng ký tham gia chương trình cho đến lúc xin bước chân lên cường quốc Mỹ đều là khoảng thời gian đáng nhớ. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hồi hộp khi chuẩn bị cho bài kiểm tra thực lực, khoảng thời gian cật lực chuẩn bị hồ sơ, cho đến quãng thời gian hạnh phúc gặp nhiều bạn mới, những người bạn cùng chuẩn bị cho con đường giao lưu văn hóa đầy thú vị giống như tôi.
Tại sao lại bảo tham gia chương trình giao lưu văn hóa là bước ngoặt lớn nhất của tôi? Vì đây là lúc tôi bước chân ra ngoài thế giới, xa khỏi Việt Nam. Từ vòng tay bảo bọc yêu thương của mẹ và sự hỗ trợ của các em, tôi được trải nghiệm cuộc sống tự lập với gia đình bản xứ, trường học mới, bạn bè mới cùng nền văn hóa mới. Tôi học được cách quản lý chi tiêu, cũng như cách chịu trách nhiệm cho mỗi hành động và lời nói của mình. Tôi học được cách suy nghĩ cho người khác, không ích kỉ chỉ biết chăm chăm vào bản thân mình. Tôi học được cách lên kế hoạch và giao tiếp với những con người với mọi lứa tuổi giới tính. Tôi học cách tự bảo vệ bản thân mình trong vùng đất lạ. Tôi học cách tự đứng vững trên đôi chân của mình, để bước xa hơn và nhanh hơn.
Vậy tại sao giao lưu văn hóa lại là bước ngoặt thành công nhất? Giao lưu văn hóa là bước ngoặt thành công nhất vì nó đã hoàn toàn thay đổi con người tôi. Tôi học được rất nhiều từ đất nước bên kia trái đất này. Ở Việt Nam, kiến thức về nước Mỹ của tôi chỉ hạn hẹp trong trang sách vở và những trang mạng xã hội. Ngay cả khi coi truyền hình hoặc xem phim nước ngoài, nền văn hóa và lối sống của họ chỉ được phản ánh phần nào, và cả con người phương Tây cũng chỉ có thể tiếp xúc mới hiểu được. Tôi thật sự ngưỡng mộ sự tự lập của con người nơi đây. Từ thuở con bé, con nít phương Tây đã được dạy tự mình làm tất cả mọi việc trong khả năng, kể cả chi tiêu tiền bạc và đi học bằng xe buýt tới trường từ bé. Con người phương Tây, họ mạnh mẽ, tự lập, nhưng họ có một trái tim bao dung, sẵn sàng giúp đỡ và san sẻ người gặp hoạn nạn.
Vì tính cách độc lập, tự tin của con người nơi đây, tôi lúc mới qua đã phần nào không hiểu hết. Khu tôi ở bên Mỹ là một vùng quê hẻo lánh của bang Wisconsin, nên việc đi lại rất khó khăn vì mọi thứ cách xa nhau và không có phương tiện công cộng, trừ xe buýt. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ các bạn học sinh Mỹ lạnh lùng nên không dám nhờ giúp đỡ mỗi khi cần đi đâu đó vì gia đình host đôi khi bận bịu. Nhưng trái ngược lại với mặc định của tôi, những người bạn mới ấy sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ khi nào tôi cần, từ việc đèo đi tập đá bóng, cho tới đi thi cuộc thi Toán, cho tới cả đi từ thiện, có cả những người bạn không quản ngại chạy ngược đường lên nhà tôi. Tất cả những sự giúp đỡ ấy, tôi đều khắc ghi trong lòng và thầm cảm ơn vì tôi đã quen được những người bạn thật tốt. Và không chỉ những thanh thiếu niên phương Tây, những người trưởng thành nơi đây cũng sẵn sàng giúp đỡ tôi hết mình, từ việc dẫn tôi tham quan xung quanh, cho tới cả việc “tư vấn tâm lý tuổi mới lớn”, họ đều sẵn sàng giúp đỡ với tất cả tấm lòng, và họ luôn chúc tôi “I hope you get a good experience in here.” Vâng, tôi đang có một khoảng thời gian tuyệt vời với những con người thân thiện nơi đất khách quê người.
Đi xa khỏi cái nóng của thành phố, tôi trải qua một mùa đông khắc nghiệt ở Wisconsin. Tôi được thấy tuyết lần đầu tiên trong đời, những bông tuyết trắng toát đẹp cả vùng trời nhưng lạnh lẽo, Những ngày trải qua những cái lạnh thấu xương, khi xuống tới âm 20 độ, tự dưng đôi khi thấy nhớ nhà. Nhớ cái nóng và ẩm ướt quanh năm của Sài Gòn, nhớ những ly trà đá vỉa hè, những cây kem mát lạnh, và nhớ cả tiếng còi xe ầm ĩ. Nỗi nhớ nhà kéo theo nỗi nhớ đồ ăn thức uống Việt Nam, những món ăn dân dã thân thương. Ở nơi đây, thật khó để tìm ra được món ăn đặc sắc như ở quê nhà, khi mà nước Mỹ đa số là thức ăn nhanh. Nỗi nhớ nhà dường như tăng lên vào dịp tết Nguyên Đán. Người người nhà nhà chào đón năm mới, với những bao lì xì, lời chúc sức khỏe, và cả những món ăn ngày Tết. Ba mẹ host tâm lý biết được đứa con gái “quốc tế” này nhớ nhà, liền dành thời gian chở đi thăm thú khắp nơi và dẫn đi ăn những món ăn thiệt ngon, coi như “đền bù” mất mát. Mặc áo dài truyền thống đi học để đón Tết, tôi cũng nhận được nhiều lời chúc và lời khen từ bạn bè, vơi đi được phần nào cảm giác muốn được về Việt Nam sum vầy bên gia đình nhỏ đón năm mới.
Bù lại, tôi đã tận hưởng lễ Halloween, lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh, và lễ Phục Sinh đúng kiểu phương Tây đầu tiên của mình. Được bạn bè giúp đỡ, tôi đã hóa trang thành bù nhìn và tận tay khắc bí đỏ lần đầu tiên trong đời. Tôi được tận hưởng bữa ăn đúng chuẩn lễ Tạ Ơn cùng gia đình host. Tôi học được quá trình “tìm” cây thông, đốn cây, và trang trí cây thông cao ngất ngưởng cùng gia đình, tôi thậm chí còn có cả chiếc tất riêng treo trên lò sưởi của mình. Tôi được học cách nhuộm trứng và ăn mừng lễ Phục Sinh, và nhiều nhiều điều khác nữa.
Nhắc đến kinh nghiệm, không thể không nhắc đến quá trình nộp đơn đại học khi tôi ở miền đất xa quê này. Khi biết được ý định học đại học ở Mỹ của tôi, gia đình Mỹ của tôi đã ủng hộ tôi hết mình và thậm chí còn giúp đỡ tôi trong việc chọn trường đại học tốt đảm bảo khả năng kinh tế của mình. Tôi cũng phải cảm ơn các thầy cô trong trường đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong con đường học vấn của mình.
Tôi cũng được trải nghiệm Prom cả hai lần trong năm nay, và đó thật sự và kỉ niệm đáng quý. Cùng mẹ host chạy khắp nơi lựa đầm, rồi lực trang sức, giày dép, rồi sửa lại đầm cho hợp dáng, rồi cùng bạn bè háo hức chuẩn bị cho Prom. Trải nghiệm Prom ở phương Tây thật độc đáo, ăn mặc thật đẹp rồi nhảy nhót hết mình, cuối cùng ai cũng mệt lả nhưng lại ngồi chung với nhau cùng nói chuyện cho tới sáng hôm sau.
Ngoài học về con người và đất nước phương Tây, tôi còn học được rất nhiều về chính đất nước Việt Nam của mình. Tôi học được rằng Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ duy nhất ở Việt Nam. Tôi gặp và tiếp xúc với rất nhiều người H’Mong, họ cùng chung nòi giống nhưng vẫn có những đặc điểm khác với người Kinh. Tôi cũng học được thêm nhiều điều về địa lý và con người Việt Nam qua những bài thuyết trình về đất nước mình cho những người bạn nước Mỹ. Tôi học được những điểm khác nhau về văn hóa và con người giữa hai đất nước, những khác nhau về bản sắc dân tộc và cả thực phẩm. Nhưng nhìn chung, con người nước bạn và nước mình có thật nhiều điểm tương đồng. Bản tính nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, đức tính siêng năng cần cù, và cả sự khao khát được mở rộng tầm mắt và kiến thức, đã mang những con người từ hai miền đất hiểu và thông cảm cho nhau hơn.
Tôi cảm ơn những gì chương trình đã mang lại cho tôi, một hành trình đầy thú vị để trưởng thành hơn. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Thúy, từ lúc tôi còn ở Việt Nam cho tới khoảng thời gian tôi ở Mỹ này. Tôi cũng cảm ơn những người đã giúp đỡ tôi trong thời gian tôi ở đây. Tôi cảm ơn gia đình host, những người đã nhận nuôi và thấu hiểu cho đứa con gái ngây ngô này. Và tôi đặc biệt cảm ơn mẹ tôi, người phụ nữ tuyệt vời đã cho tôi cuộc sống này và giúp tôi từng bước vươn đến thành công của ngày hôm nay.