Năm 2021, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh - người được mệnh danh là “nữ hoàng cá tra” có doanh thu gần 6.000 tỉ đồng. Nhưng điều ngạc nhiên không phải là mức tăng trưởng 25% ngay trong đại dịch mà ở cơ cấu nguồn thu.
Cụ thể, nguồn thu từ sản phẩm chính là cá tra fillet chỉ chiếm 66%, đứng thứ 2 là các sản phẩm phụ 19%; nhóm hàng collagen và gelatin đứng thứ 3 với 7%. Rất nhiều người không khỏi tò mò về nhóm hàng phụ phẩm cũng như "collagen và gelatin" mang lại cho doanh nghiệp (DN) này tới cả ngàn tỉ đồng cụ thể là gì.
Giải thích về điều này, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, cho biết: Từ da cá, công ty đã đầu tư sản xuất ra collagen và gelatin là những sản phẩm được dùng trong nhiều lĩnh vực liên quan tới thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Trước kia, các phụ phẩm của quá trình chế biến thủy sản chủ yếu chỉ được dùng trong làm thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng qua nghiên cứu, Vĩnh Hoàn nhận thấy nguồn nguyên liệu sau sản phẩm fillet là rất lớn nên đã tiên phong đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm liên quan đến chuỗi giá trị cá tra.Kết quả như nói trên, phụ phẩm đã vươn lên, đóng góp cả ngàn tỉ đồng trong cơ cấu nguồn thu của Vĩnh Hoàn. Thậm chí riêng nhóm hàng collagen và gelatin năm 2021 đạt doanh thu đến 642 tỉ đồng. Nếu tính luôn những sản phẩm phụ thì doanh thu lên tới hơn 2.200 tỉ đồng.
Năm 2015, Vĩnh Hoàn chính thức đưa nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá đầu tiên tại VN với công suất 2.000 tấn/năm vào hoạt động. Cuối năm 2020, công suất được nâng cấp lên 3.500 tấn. Theo kế hoạch, năm 2022 tiếp tục mở rộng thêm một dây chuyền hoạt động. “Tiềm năng thị trường từ collagen và gelatin rất khả quan và đang phát triển”, bà Tâm nhận định.
Ngoài Vĩnh Hoàn, mới đây Công ty cổ phần Nam Việt cũng hợp tác với đối tác nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất collagen và gelatin công suất 780 tấn/năm. Trên thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng biết đến sản phẩm dầu ăn từ mỡ cá tra của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai.
Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong thịt cá tra có 8 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể con người cần nhưng không thể tự tổng hợp. Nếu áp dụng công nghệ tiên tiến thì từ phụ phẩm cá tra có thể chế biến thành dịch đạm hoặc bột đạm thủy phân với hàm lượng dinh dưỡng cao. Sản phẩm ngoại nhập đang có giá bán trên thị trường hơn 200.000 đồng/kg. Điều này cho thấy tiềm năng chế biến từ phụ phẩm cá tra vẫn còn rất lớn, cần đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Các DN trong ngành này thông tin, da cá tươi có giá từ 0,5 - 0,7 USD/kg, trong khi sản phẩm collagen có thể đạt mức từ 25 - 40 USD/kg. Trong khi đó, thị trường sản phẩm collagen có tốc độ tăng trưởng trên 6%/năm và ước tính sẽ có giá trị từ 7 - 8 tỉ USD vào năm 2027.
Cùng với quá trình phát triển phụ phẩm cá tra, nhiều năm trước một số DN FDI của Nhật Bản đầu tư vào VN để thu mua vỏ tôm, vỏ cua, vỏ ghẹ làm sản phẩm sinh học trừ nấm. Ngoài ra, họ còn sử dụng công nghệ enzyme để sản xuất chitin - chitosan từ vỏ tôm… Điều này đã kích thích các DN VN đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực chế biến phụ phẩm từ tôm.
Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF) là một trong những DN VN đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế biến phụ phẩm tôm. Hiện đơn vị này có một nhà máy tại Cà Mau và một ở Hậu Giang. Ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc điều hành VNF, cho biết: Phụ phẩm đầu vỏ tôm chiếm 35 - 45% trọng lượng tôm, phần lớn được chế biến thành thức ăn chăn nuôi có giá trị thấp bằng phương pháp thô như hấp, sấy, nghiền. Bên cạnh đó, vỏ tôm lột chiếm 0,3 - 0,4 tấn/tấn tôm thành phẩm. Trong thành phần phụ phẩm này, đặc biệt đầu vỏ tôm là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất, có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ nhiều ngành công nghiệp với giá trị gia tăng rất cao.
Cụ thể VNF đã phát triển thành các dòng sản phẩm như: nguyên liệu thực phẩm để sản xuất nước chấm, nước mắm tôm, dầu tôm, bột tôm, bột thịt tôm… Thứ hai là nhóm dinh dưỡng sinh học với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ chất lượng cao. Đặc biệt là nhóm sản phẩm Bio Polymer (polime sinh học gồm chất chitin và chitosan). Chitin và chitosan ứng dụng nhiều trong y dược, thực phẩm và thực phẩm chức năng cũng như nông nghiệp trong bảo quản nông sản sau thu hoạch, nhựa sinh học kháng khuẩn…
Theo ông Phan Thanh Lộc, tận dụng nguồn phụ phẩm để thu hồi dưỡng chất cũng giúp bảo vệ môi trường, xuất khẩu sản phẩm tinh chế có giá trị cao, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Định hướng của Chính phủ, phấn đấu đưa ngành tôm thành ngành công nghiệp đạt giá trị xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025. Theo đó, ước tính đến năm 2025, lượng đầu vỏ tôm và vỏ tôm lột cộng lại trên 1 triệu tấn. Do đó để ngành tôm tăng trưởng và phát triển bền vững, cần thiết đầu tư chế biến sâu nguồn phụ phẩm tôm.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu các phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng vẫn còn ít. Theo các DN, khó khăn lớn nhất trong việc chế biến sản phẩm phụ phẩm là cần đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại với giá trị cao. Chính vì vậy, vốn là vấn đề quan trọng mà không nhiều DN có thể thu xếp được. Thứ hai là thị trường và đội ngũ nguồn lao động chất lượng cao. Đây là hai vấn đề quan trọng mà gần đây một số DN VN chọn cách liên doanh với các đơn vị nước ngoài để tận dụng thế mạnh của họ.
Chí Nhân - Quang Thuần
Địa chỉ: Số 14 đường số 8, Khu dân cư Khang An, Phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: 0985 561 557
Email: info@saikofood.com
Web: www.saikofood.com
Hotline