Làm thế nào khi bé bị dị ứng thuốc kháng sinh?

0914 999 999 green.jsc@gmail.com
VN EN
Tin tức chuyên ngành

Tin tức chuyên ngành Tin tức sự kiện Green Pharma Tin tuyển dụng

Những năm đầu đời đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, các bác sĩ phải rất thận trong việc kê đơn thuốc cho trẻ nhỏ, nhất là thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể gây ra nhiều vấn đề như kháng kháng sinh, tiêu chảy và đặc biệt là dị ứng thuốc. Vậy cần phải làm gì khi bé bị dị ứng thuốc kháng sinh?

1. Thuốc kháng sinh là gì?

Để biết phải làm gì khi bé bị dị ứng thuốc kháng sinh, bạn cần biết thuốc kháng sinh là gì.

Thuốc kháng sinh là loại thuốc dùng để chống nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Thuốc giúp chống lại khi số lượng vi khuẩn có hại quá nhiều, hệ thống miễn dịch không thể kiểm soát được. Cơ chế chống lại vi khuẩn của thuốc là tiêu diệt vi khuẩn hoặc làm chậm hay ngăn sự phát triển của vi khuẩn.

Thuốc kháng sinh đầu tiên ra đời là penicillin. Trước khi có kháng sinh, 30% các trường hợp tử vong là do nhiễm vi khuẩn. Hiện nay đã có nhiều nhóm kháng sinh khác nhau. Một số loại kháng sinh hoạt động tốt nhất với từng loại nhiễm trùng vi khuẩn cụ thể. Có kháng sinh phổ rộng và kháng sinh phổ hẹp; có kháng sinh tấn công vi khuẩn hiếu khí và tấn công vi khuẩn kỵ khí.

Ở hầu hết các quốc gia, kháng sinh là thuốc bán theo đơn của bác sĩ trừ một số loại kem và thuốc mỡ chứa kháng sinh. Thuốc kháng sinh có ở nhiều dạng:

  • Thuốc uống: viên nén, viên nang, dung dịch…
  • Dùng tại chỗ: kem, thuốc mỡ, thuốc xịt; thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai…
  • Thuốc tiêm như tiêm tĩnh mạch, thường dùng cho nhiễm trùng nặng.

2. Tác dụng của thuốc kháng sinh đối với trẻ là gì?

Những năm đầu đời đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần được cân nhắc bởi bác sĩ. Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi hoặc điều trị không kháng sinh. Nhưng có những trường hợp, kháng sinh là phương pháp điều trị hiệu quả cho trẻ nhỏ.

Hầu hết các triệu chứng cảm lạnh thông thường như sổ mũi, ho và nghẹt mũi, viêm họng, sốt và các nhiễm trùng tai là do virus gây ra, không nên điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, đôi khi những bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, ho gà, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm xoang do vi khuẩn hoặc viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng tai nặng và tái phát… cũng có những triệu chứng trên nhưng lại là do vi khuẩn gây ra. Vì vậy, các bệnh này có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, một số trẻ có tình trạng khó lành hơn như mổ hở hàm ếch, rối loạn miễn dịch, cấy điện cực ốc tai, có thể kê đơn thuốc kháng sinh.

Việc sử dụng kháng sinh không phù hợp có thể gây ra kháng kháng sinh. Ngoài ra, thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt lợi khuẩn gây tiêu chảy hoặc khiến vi khuẩn xấu sinh sản nhanh và gây nhiễm trùng khó kiểm soát. Đặc biệt, thuốc có thể làm bé bị dị ứng thuốc kháng sinh.

3. Nên làm gì khi trẻ bị dị ứng thuốc kháng sinh?

Cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ dùng thuốc kháng sinh. Hãy đảm bảo bạn đã cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng nếu bé bị dị ứng thuốc kháng sinh trước đó.

3.1. Triệu chứng khi bị dị ứng thuốc kháng sinh

Dị ứng với penicilin là dị ứng thuốc phổ biến nhất. Dị ứng thuốc có thể gây ra các phản ứng đe dọa đến tính mạng, nhưng may mắn là hầu hết bé bị dị ứng thuốc kháng sinh đều chỉ bị phản ứng nhẹ hơn.

Các triệu chứng phổ biến là ngứa ngáy, phát ban (như nổi mề đay), khó thở và sưng mặt, bàn tay hoặc bàn chân. Ít phổ biến hơn như nôn mửa, tiêu chảy hoặc choáng váng. Thông thường hai hoặc nhiều trong số các triệu chứng này xuất hiện trong phản ứng dị ứng và thường bắt đầu trong vòng hai giờ sau khi dùng thuốc.

Bé bị dị ứng thuốc kháng sinh với các triệu chứng nghiêm trọng sẽ bị phát ban da tương tự, chẳng hạn như ban đỏ đa dạng cùng thở khò khè, khó thở, khó nuốt, hoặc sưng miệng, cổ họng; cũng như sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

3.2. Cách điều trị

Bạn có thể liên hệ với bác sĩ, đôi khi test dị ứng cùng bảng câu hỏi có thể xác định xem bé bị dị ứng thuốc kháng sinh hay không.

3.2.1. Sơ cứu và chăm sóc khẩn cấp

Vì sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng, bạn cần nhận biết triệu chứng và cách xử lý trường hợp cấp cứu y tế. Phát ban phồng rộp, sưng tấy và thở khò khè là những triệu chứng phổ biến.

  • Ngưng ngay thuốc gây dị ứng.
  • Gọi cấp cứu.
  • Nếu có ống tiêm epinephrin, bạn cần sử dụng khi có dấu hiệu triệu chứng đầu tiên. Một mũi tiêm có thể không đủ để ngừng sốc phản vệ. Có thể cần một liều lặp lại sau 5 – 10 phút nếu triệu chứng nghiêm trọng vẫn tiếp tục.
  • Trong khi chờ cấp cứu khi bé bị dị ứng thuốc kháng sinh:
    • Để trẻ nằm xuống và nâng cao chân để duy trì lưu lượng máu đến tim.
    • Nếu trẻ khó thở hoặc nôn mửa, bạn nên để trẻ ở tư thế thoải mái như nằm nghiêng, kê cao chân nếu có thể. Không nên cho trẻ ngồi dậy hoặc đứng lên.
    • Nên theo dõi mạch và nhịp thở, và tiến hành hô hấp nhân tạo nếu cần.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu càng nhanh càng tốt để đánh giá tùy vào tiền sử, sức khỏe và diễn tiến lâm sàng. Việc theo dõi bệnh viện trong vài giờ là rất quan trọng vì sốc phản vệ có thể quay trở lại.

3.2.2. Thuốc điều trị

Trẻ bị dị ứng thuốc kháng sinh có thể sẽ được kê toa điều trị bằng:

  • Thuốc kháng histamin, để giảm các triệu chứng phát ban và ngứa.
  • Thuốc hít hen suyễn, cải thiện các triệu chứng hô hấp.
  • Epinephrine (adrenaline), là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất cho sốc phản vệ.
  • Các phản ứng nghiêm trọng hơn có thể cần được điều trị bằng steroid và/hoặc tiêm epinephrine.

Nếu trẻ nguy cơ cao hoặc đã từng bị sốc phản vệ, bạn phải luôn chuẩn bị sẵn epinephrin. Trẻ đủ lớn sẽ được các chuyên gia y tế dạy cách tự dùng epinephrine khi cần. Thuốc được đóng 1 liều chuẩn trong ống tiêm tự động (EpiPen hoặc Auvi-Q).

4. Phòng ngừa dị ứng thuốc kháng sinh ở trẻ

Để phòng ngừa dị ứng thuốc kháng sinh ở trẻ, bạn cần lưu ý:

  • Chủ động thông báo với bác sĩ tình trạng dị ứng của trẻ.
  • Tiền sử trẻ bị dị ứng thuốc kháng sinh cần được ghi lại trong hồ sơ bệnh án.
  • Thuốc kháng sinh chỉ được bác sĩ kê đơn trong những trường hợp cụ thể, không tùy ý sử dụng.
  • Nếu trẻ bị dị ứng với thuốc kháng sinh, tốt nhất là tránh dùng thuốc đó hay thuốc tương tự.
  • Bạn cần theo dõi vì phản ứng dị ứng có thể khởi phát trong vài phút đến vài giờ; nhưng cũng có thể vài ngày hoặc vài tuần. Ngoài ra, trẻ có thể không bị dị ứng khi dùng thuốc trước đó nhưng lại đột ngột dị ứng vào lần tiếp theo.
  • Đeo vòng tay y tế cảnh báo tình trạng bé bị dị ứng thuốc kháng sinh.
  • Luôn mang theo ống tiêm tự động epinephrine, thường là 2 ống. Bạn nên làm việc với nhà trường về kế hoạch phòng ngừa phản vệ cho bé. Thuốc phải được bảo quản theo yêu cầu. Thường xuyên kiểm tra chất lượng cảm quan của thuốc.

Sau một đợt sốc phản vệ, bạn có thể được giới thiệu đến một chuyên gia dị ứng để:

  • Tìm các tác nhân gây dị ứng cho trẻ
  • Đưa ra kế hoạch điều trị để ngăn ngừa sốc phản vệ trong tương lai.
  • Kiểm soát các bệnh hen suyễn, bệnh phổi mãn tính, bệnh tim nếu trẻ mắc phải.

Thuốc kháng sinh giúp điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra dị ứng thuốc, có thể ảnh hưởng tính mạng. Những năm đầu đời rất quan trọng đối với trẻ em. Khi bé bị bệnh, bạn hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ để được kê đơn thuốc hiệu quả và hiệu chỉnh liều hợp lý nhé!

Đối tác - khách hàng
CÔNG TY CỔ PHẦN GREEN PHARMA

 99/6 Nơ Trang Long, Phường 14, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Vietnam

 0914 999 999

 green.jsc@gmail.com

 www.greenpharma.com.vn

Follow us
Online : 30 - 126273

Designed by Vietwave

Hotline

Hotline

0914999999