Mỗi con người chúng ta, ai ai cũng đều có một ước mơ, khát khao, đam mê mãnh liệt riêng về tương lai. Khi ta dần dần lớn lên và trưởng thành, đó cũng chính là lúc cái đam mê ấy, khát khao ấy càng mãnh liệt và cháy bỏng hơn cả. Và đó cũng chính là viên thuốc kích thích ta càng muốn biến chúng thành hiện thực. Đặc biệt là ở lứa tuổi “teenager" như tôi, ước mơ lớn nhất mà tôi muốn thực hiện, đó chính là trở thành “học sinh trao đổi, giao lưu văn hoá tại Mỹ”. Sau một thời gian nó đã trở thành hiện thực. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe như thế nào để thực hiện thành công đam mê nhé!
Nhớ lại khoảng thời gian hơn một năm trước, tôi vẫn còn là học sinh lớp 10 tại trường Nguyễn Huệ, thành phố Huế, Việt Nam. Một học sinh vô lo vô nghĩ, cái tính tình vô tư của mình là cứ đợi nước tới chân rồi mới nhảy, vậy nên mình cũng không suy nghĩ nhiều về tương lai, hay thậm chí là ngành học hay trường Đại học mong muốn. Trong tâm trí của mình rất đơn giản cho rằng: “Cái gì tới thì sẽ tới, suy nghĩ nhiều mệt óc, còn không thì cùng lắm cứ làm như ba mẹ mình muốn đi!” Mình biết có cái gì đó không đúng, nhưng cũng không để ý quá nhiều, vì đã quá quen ỷ lại vào ba mẹ. Cho tới một ngày, mình vô tình đọc được trên poster của trường về cuộc thi tuyển của chương trình giao lưu văn hóa một năm tại Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, tiếng chuông báo hiệu giờ học kết thúc vừa reo, tôi từ lớp học bước ra thì nhìn thấy poster của công ty Edupath về du học. Ban đầu, tôi hiếu kì không biết đây là chương trình gì thì tiến gần lại đọc và hỏi những người tư vấn về chương trình du học bổng trung học công lập Mỹ này. Người ta giới thiệu rất rõ ràng, từng bước chi tiết. Lúc còn nhỏ, tôi đã ước mơ được đến Mỹ để du học và học tập những điều mới mẻ của nước bạn. Và đó cũng chính là nguyện vọng của ba mẹ và gia đình tôi. Tôi cũng đã được nghe những bạn đang là học sinh trao đổi tại Mỹ kể về cuộc sống, trường học của họ một cách rất thú vị và tuyệt vời. Và niềm khát khao của tôi lúc đó lớn hơn bất cứ lúc nào. Đúng vào lúc ấy, tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để biến giấc mơ của tôi nói riêng và của gia đình tôi nói chung thành sự thật. Và cuối cùng tôi đã trở thành một du học sinh thật sự.
Đi du học là bước vào môi trường học tập hoàn toàn mới. Cuộc sống tôi như hoàn toàn mở ra một trang sách mới khi tôi bước chân đến đất nước Mỹ-the land of dreams. Tôi rất may mắn khi được một gia đình người bản xứ chọn tôi trở thành thành viên trong gia đình. Hiện tại, tôi đang học lớp 11 “Junior" tại Meridian High School in Idaho of America. Trường học ở đây rất lớn, đầy đủ tiện nghi, thầy cô và bạn bè rất thân thiện và giúp đỡ rất nhiệt tình. Tôi làm quen được rất nhiều bạn mới, họ rất dễ thương và vui tính. Chương trình học thì nhẹ nhàng hơn Việt Nam nhiều các bạn ơi! Phương pháp học rất là đơn giản và dễ hiểu. Môi trường học tập và sinh sống ở Mỹ rất tự do, học sinh được khuyến khích đưa ra câu hỏi đối với thầy cô giáo nếu chưa hiểu bài cũng như nếu học sinh tin rằng thầy giáo có sai sót trong giảng dậy. Nếu như ở Việt Nam, học sinh thường nghe giảng, ghi chép và ghi nhớ thuộc lòng những điều được giảng dạy thì tại Mỹ, bạn sẽ được đưa ra ý kiến cá nhân nhiều hơn và tranh luận xây dựng bài cùng với giáo sư và bạn bè trong lớp. Ngoài ra ở Mỹ, chỉ học 7 đến 8 môn và thực hành là điều vô cùng quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả học lý thuyết. “Có cần phải sáng tạo trong học tập?” đó chính là câu hỏi cần thiết mà mỗi học sinh ở mỹ luôn ghi nhớ. Bởi vì thầy cô giáo ở đây luôn luôn tạo điều kiện cho bạn sáng tạo mọi lúc mọi nơi trong tiết học. Chính vì những khác biệt như trên nên tôi không bao giờ hối hận về quyết định của mình mà còn vui mừng hơn hết vì đã chọn cho mình một môi trường học tập tuyệt vời và đạt được kết quả tốt trên con đường học vấn của mình.
Được trở thành một thành viên của gia đình người bản xứ ở đây, tôi đã vui mừng và sung sướng biết bao nhiêu. Các bạn chắc hẳn là đang hiếu kì tại sao phải không nhỉ? Người phương Tây, đặc biệt là American, họ rất là tốt bụng, lịch sự và đặc biệt là rất vui tính và dễ thương nữa. Ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, tôi đã vô cùng bỡ ngỡ và rất lo lắng. Cứ đặt ra rất nhiều câu hỏi “Liệu tôi có ổn không?”, “Cuộc sống sẽ thay đổi như thế nào?”, “Liệu gia đình host và bạn bè sẽ đối xử với mình ra sao?”. Chỉ sau hai tuần sinh hoạt, đi học và đến trường hằng ngày đã trả lời mọi câu hỏi thắc mắc mà tôi đã đặt ra. Gia đình bản xứ, họ biết tôi sẽ rất bỡ ngỡ nên đã hướng dẫn và giới thiệu mọi thứ xung quanh rất tận tình. Giới thiệu mọi thứ mới ở đây, rồi hỏi tôi về văn hoá, lối sống ở Việt Nam như thế nào, làm cho tôi đỡ ngại và quen dần với mọi người xung quanh. Họ dắt tôi đi ăn, đi chơi, đến những nơi tuyệt vời, tuyệt đẹp mà tôi chưa bao giờ thấy. Lối sống của họ rất là khác người phương Đông chúng ta, nhưng lúc nào host cũng lo lắng liệu tôi có bị “sốc” văn hoá hay không và săn sóc tôi rất tốt. Nói thật thì cũng thấy “sốc” một chút vào những ngày đầu mới tới, nhưng nhờ sự cởi mở và chào đón thân thiện của mọi người nên tôi đã không còn cảm thấy khó khăn hay nhớ nhà gì nữa cả. “Chương trình trao đổi giao lưu văn hoá” đã thay đổi con người tôi hoàn toàn mọi mặt. Ở với gia đình người bản xứ, phải học tập theo lối sinh hoạt, ăn uống hằng ngày là điều hiển nhiên. Nó rất là thú vị và mới mẻ đối với người Châu Á chúng ta. Điều đầu tiên là về thức ăn, tôi vốn người là không ăn được những thức ăn của phương Tây, vì nó rất là béo và hầu như là không phải khẩu vị yêu thích. Thời gian về trước, tôi đã nghĩ làm sao có thể thích nghi với đời sống của gia đình host. Nhưng bây giờ mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi, tôi yêu đồ ăn Mỹ hơn là đồ ăn Việt Nam nữa. Đúng là ngạc nhiên phải không các bạn! Tôi nhớ nhất là vào hồi giáng sinh (Christmas), cứ nghĩ là chắc là sẽ nhận được vài hộp quà thôi, thế mà cuối cùng tôi nhận quá nhiều đến nỗi không nhớ là ai tặng hộp này ai tặng hộp kia. Kết thúc phần mở quà, họ dẫn tôi đến Vietnamese restaurant nhưng không cho tôi biết trước. Tôi ngạc nhiên và nhảy lên vì vui sướng, ôm chằm lấy ba mẹ host. Đó là một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên. Thế đấy, cuộc sống càng ngày càng tốt hơn, thú vị hơn và khám phá càng nhiều điều mới mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến trước đó. Vào các dịp cuối tuần, ba mẹ host thường dẫn tôi đến các nơi danh lam thắng cảnh như là suối, thác,....Các bạn thấy đấy, ở với người mỹ-đó chính là cơ hội tuyệt vời cho tôi để luyện tập kĩ năng nói tiếng Anh 24/24, có thể luyện tập cách phát âm tốt hơn, biết nhiều từ vựng hơn-môi trường tốt và tuyệt vời để cải thiện kĩ năng tiếng Anh một cách tốt nhất. Và đó cũng chính là một trong những lý do là tôi chọn chương trình "giao lưu và trao đổi văn hoá” này.
Tôi là dạng người không mạnh dạng, không tự tin cho lắm khi tiếp xúc với người lạ ở những môi trường giao tiếp khác nhau ở thế giới rộng lớn bao la ngoài kia. Lúc nào cũng nhút nhát, ngượng ngùng; đó là những điểm yếu mà tôi luôn luôn muốn khắc phục bản thân mà vẫn chưa tìm ra được cách gì. Nhưng từ lúc tôi tham gia chương trình mọi thứ đã thay đổi tưởng chừng như không thể. Nào là thay đổi về nhược điểm của bản thân, thay đổi lối sống và thời gian sinh hoạt, biết cách đưa ra những quyết định đúng đắn, suy nghĩ chín chắn hơn. Con người tôi hoàn toàn thay đổi từ lúc đó. Một phần là cũng nhờ vào sự hỗ trợ và giúp đỡ của gia đình host. Học sinh Mỹ, người ta rất giỏi về khả năng giao tiếp, cả về mọi thứ. Tôi nghĩ tại sao tôi không học hỏi người ta những điểm hay đó và thay đổi. Từ đó, tôi học hỏi lối sống, cách giao tiếp,... từ họ, từ mọi thứ xung quanh cuộc sống của một du học sinh. Từ đó, học cách bồi đắp cho nền tảng kiến thức lẫn kinh nghiệm của mình.
Chương trình giao lưu và trao đổi văn hoá là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá, giới thiệu những nét độc đáo về văn hoá Việt Nam cho nước bạn. Và ngược lại, chúng ta được tìm hiểu và học tập sâu hơn về văn hoá nước Mỹ. Tôi nghĩ đó chính là cách để giúp đất nước phát triển hơn, giúp bạn bè khắp năm châu biết nhiều hơn về một đất nước nhỏ bé nhưng sở hữu một kho tàng châu báu về văn hoá lẫn con người. Qua chương trình này, tôi nhìn thấy và mở rộng được tầm hiểu biết về văn hoá Mỹ rất nhiều. Như là “văn hoá giao tiếp ở công cộng” được thể hiện ở tiếng xin lỗi và lời cảm ơn luôn được sử dụng ở các nơi công cộng như nhà hàng, xe buýt, trường học, siêu thị,... Khi lên xuống xe buýt, hành khách chào tài xế và ngược lại. Khi có sự cố va chạm xảy ra thì lời xin lỗi luôn được vui vẻ chấp nhận, mọi người luôn nhường nhịn nhau trong giao tiếp, nhất là xếp hàng theo thứ tự không bao giờ chen lấn giành chỗ cho dù bạn là ai. Các bạn thấy đó, ví dụ trên cũng là một nét văn hoá rất đẹp của con người ở đây mà chúng ta cần học hỏi. Được biết những điều như thế và học tập là một điều rất đáng tự hào. Ngoài ra, đây là một đấu trường lớn hoặc có thể gọi là một bài kiểm tra lớn nhất trong cuộc đời tôi, nào là thử thách về giới hạn chịu đựng, thử thách về kiến thức, về khả năng ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Bạn phải biết ứng xử nhanh nhẹn, nhạy bén và phải biết chăm chỉ, siêng năng hơn trong mọi mặt. Các bạn đừng lo nhé! Ban đầu, tôi nghĩ sao nó quá phức tạp và đòi hỏi bản thân quá nhiều. Nhưng sau khi hoàn thành khoá này, tôi nhận ra những điều trên là những thử thách thú vị nhằm giúp bản thân lẫn đời sống tôi hoàn thiện hơn, và sẵn sàng cho cuộc sống tương lai phía trước. Nó biến đổi con người tôi một cách kỳ diệu, hoàn hảo và giúp tôi trở nên một người có ích hơn và tốt đẹp hơn cho xã hội. “Chương trình này giúp tôi mở rộng tầm hiểu biết rất nhiều mà tôi chưa từng nghĩ đến”.
Chọn trở thành học sinh trao đổi là một bước ngoặc, một quyết định lớn trong cuộc đời, vì nó giúp tôi mở rộng tầm kiến thức, vươn ra một tầm nhìn khác-mới mẻ và “khổng lồ" hơn. Từ khi bấm “nút chọn" này, “tương lai” và cuộc sống đã thay đổi rất nhiều mà tôi không hề nghĩ đến trước đó. Từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi thực thụ, yêu nghề và có cơ hội làm việc và công tác ở nước ngoài. Và ngay lúc này, nó đang dần trở thành hiện thực. Vì sao? Môi trường học tập (trường học) rất tiện nghi và đầu đủ các trang thiết bị để bạn có thể thực hành một cách tốt nhất. Ngoài ra, thầy cô luôn luôn tổ chức các hoạt động ngoại khoá, “scholarship” và nhiều cơ hội nhằm giúp bạn học hỏi và gặt hái được nhiều kết quả tốt. Từ đó, nó giúp tôi hiểu và nâng cao tầm hiểu biết nhiều hơn về ngành nghề mà tôi định hướng cho tương lai-Bác sĩ. Và nhà trường luôn có các chuyên gia tư vấn và định hướng ngành nghề cho học sinh để đi vào các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ. Tôi thấy rất tự tin và cảm nhận được những ước mơ, hy vọng càng ngày càng trở thành hiện thực.
“Chương trình giao lưu và trao đổi văn hoá” là một hành trình phiêu lưu tuyệt vời mà tôi từng tham gia. Vì sao? Chính là vì đây là cơ hội để các bạn trẻ như tôi giao lưu, học tập trong môi trường mới, tự trải nghiệm cuộc sống tại Mỹ để trưởng thành. Khi tôi tham gia chương trình này, nó đã theo đổi mọi thứ như ý chí, suy nghĩ, cách sinh hoạt, phương pháp học tập, cách đối xử với mọi người xung quanh theo một hướng tích cực nhất. Hầu như một nửa con người tôi! Nó mở ra một tầm nhìn mới, một nền tảng tri thức, kiến thức mới cho ta ở một đất nước rộng lớn này. Đến với chương trình, tôi có được nhiều cơ hội để kết bạn hơn, giúp tôi mở rộng quan hệ với xã hội xung quanh trong nước lẫn ngoài nước. Đặc biệt, từ họ tôi học hỏi được cách cư xử tao nhã, lịch sự, tốt đẹp hơn giữa con người với con người và lẫn con người với động vật. Tôi tự tin về bản thân mình hơn, biết cách toả sáng những điểm mạnh và khắc phục điểm yếu.
Chỉ còn 1 tháng nữa là năm học kết thúc rồi! Rời xa gia đình bản xứ, rời xa bạn bè và thầy cô nơi đây và chuẩn bị về lại Việt Nam. 10 tháng trôi qua thật mau! 1 năm học ở Mỹ đầy ấn tượng và thật tuyệt vời. Tôi rất biết ơn gia đình tôi lẫn cả gia đình bản xứ đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi trong suốt một năm sống xa nhà. Tôi học hỏi được rất nhiều thứ mới lạ, tuyệt vời qua năm này. Cảm ơn chương trình Edupath đã tạo cho tôi một cơ hội lớn-đặt chân đến đất nước Mỹ và trở thành học sinh giao lưu và trao đổi văn hoá, đặc biệt là chị Diễm đã giúp đỡ và hỗ trợ tư vấn mọi thứ trước và sau khi đến Mỹ. Một năm đầy trải nghiệm và thú vị mà tôi không bao giờ quên! Thật tuyệt vời!
.jpg)