Vấn đề ở đây là câu hỏi: “Tôi thuộc về ai? Thiên Chúa hay thế gian?” Nhiều mối bận tâm hàng ngày của tôi cho thấy rằng tôi thuộc về thế gian hơn là thuộc về Thiên Chúa. Một chút chỉ trích cũng làm cho tôi tức giận, và một chút khước từ cũng làm cho tôi chán nản. Một lời khen ngợi nhỏ thôi đủ làm tôi phấn chấn, và một chút thành công thôi đủ làm tôi phấn khích. Không cần gì nhiều cũng đủ làm tôi cảm thấy lên voi hay xuống chó. Thường thì tôi giống như một chiếc thuyền nhỏ trên đại dương, hoàn toàn trông chờ ở lòng thương hại của sóng biển. Tất cả thời gian và năng lượng của tôi được dồn vào việc bảo vệ sự thăng bằng và ngăn chặn bản thân khỏi bị lật nhào và chết đuối. Điều đó cho thấy rằng cuộc sống của tôi hầu như là một cuộc đấu tranh để sống còn: không phải là một cuộc đấu tranh thánh thiện, nhưng là một cuộc đấu tranh đầy lo lắng xuất phát từ ý tưởng nhầm lẫn rằng chính thế gian định nghĩa con người tôi…
Bao lâu ta thuộc về thế giới này, bấy lâu ta sẽ vẫn phải tuân theo những cách lối cạnh tranh của nó và hy vọng sẽ được tưởng thưởng cho tất cả những điều tốt đẹp ta đã làm. Nhưng khi ta thuộc về Thiên Chúa là Đấng yêu thương ta vô điều kiện, thì ta có thể sống như Ngài. Sự hoán cải tận căn mà Chúa Giêsu kêu gọi đó là di chuyển từ chỗ thuộc về thế gian sang vị thế thuộc về Thiên Chúa.
– Henri J. M. Nouwen – The Return of the Prodigal Son
– Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Trần Thiện Thanh Trà, DCCT
Cộng đoàn đức tin cung cấp những ranh giới bảo vệ. Trong đó, ta có thể lắng nghe những khao khát sâu thẳm nhất của mình, để tìm thấy Đấng ta hằng khao khát.
Kitô hữu nghĩ về tha nhân trong lời cầu nguyện của họ (Rm 1,9; 2 Cr 1,11; Eph 6,8; Cl 4,3). Và khi làm như vậy, họ sẽ mang lại sự nâng đỡ và ngay cả ơn cứu độ cho những người mà họ cầu nguyện.