Khi ta nói với người khác rằng: “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn” là ta đang thực hiện một cam kết rất quan trọng. Điều đáng buồn là những lời như thế thường vẫn không có gì khác hơn là một biểu hiện quan tâm chân tình. Nhưng nếu ta học cách đi từ tâm trí xuống trái tim, thì tất cả những người đã trở thành một phần của đời ta sẽ được đi vào trong sự hiện diện chữa lành của Thiên Chúa và được Ngài chạm tới ở trung tâm của bản thể chúng ta. Ta đang nói ở đây về một mầu nhiệm không thể diễn tả bằng lời. Đó là mầu nhiệm mà trái tim, là trung tâm của bản thân ta, được Thiên Chúa biến đổi thành trái tim của chính Ngài. Đó là một trái tim đủ lớn để ôm trọn toàn bộ vũ trụ. Qua cầu nguyện, ta có thể mang trong lòng mình mọi đau đớn và phiền muộn của con người, mọi mâu thuẫn và thống khổ, mọi sự tra tấn và chiến tranh, mọi cơn đói khát, cô đơn và bần cùng. Ta có thể mang trong lòng mình tất cả những điều đó không phải vì một khả năng tâm lý hay tình cảm vĩ đại nào đó, mà là vì trái tim Thiên Chúa đã trở nên một với trái tim ta.
– Henri J. M. Nouwen – The Way of the Heart
– Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Trần Thiện Thanh Trà, DCCT
Vấn đề ở đây là câu hỏi: “Tôi thuộc về ai? Thiên Chúa hay thế gian?” Nhiều mối bận tâm hàng ngày của tôi cho thấy rằng tôi thuộc về thế gian hơn là thuộc về Thiên Chúa.
Cộng đoàn đức tin cung cấp những ranh giới bảo vệ. Trong đó, ta có thể lắng nghe những khao khát sâu thẳm nhất của mình, để tìm thấy Đấng ta hằng khao khát.
Kitô hữu nghĩ về tha nhân trong lời cầu nguyện của họ (Rm 1,9; 2 Cr 1,11; Eph 6,8; Cl 4,3). Và khi làm như vậy, họ sẽ mang lại sự nâng đỡ và ngay cả ơn cứu độ cho những người mà họ cầu nguyện.