Kitô hữu nghĩ về tha nhân trong lời cầu nguyện của họ (Rm 1,9; 2 Cr 1,11; Eph 6,8; Cl 4,3). Và khi làm như vậy, họ sẽ mang lại sự nâng đỡ và ngay cả ơn cứu độ cho những người mà họ cầu nguyện cho (Rm 15,30; Pl 1,19). Nhưng thử thách cuối cùng của lời cầu nguyện thương xót vượt trên lời cầu nguyện cho anh chị em Kitô hữu là các thành viên của cộng đoàn, bạn bè, và người thân. Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Rồi trong sự tận cùng của nỗi thống khổ trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Ở đây ý nghĩa trọn vẹn của kỷ luật cầu nguyện đã trở nên rõ ràng. Cầu nguyện làm cho ta đón nhận vào trung tâm của lòng mình không chỉ những người yêu ta mà còn cả những người ghét bỏ ta. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu ta sẵn lòng biến kẻ thù trở thành một phần của chính mình và do đó cảm hoá họ ngay trong lòng mình.
– Henri J. M. Nouwen – Compassion
– Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Trần Thiện Thanh Trà, DCCT
Vấn đề ở đây là câu hỏi: “Tôi thuộc về ai? Thiên Chúa hay thế gian?” Nhiều mối bận tâm hàng ngày của tôi cho thấy rằng tôi thuộc về thế gian hơn là thuộc về Thiên Chúa.
Cộng đoàn đức tin cung cấp những ranh giới bảo vệ. Trong đó, ta có thể lắng nghe những khao khát sâu thẳm nhất của mình, để tìm thấy Đấng ta hằng khao khát.