Du học là cánh cửa tiếp cận với nền tri thức hiện đại của thế giới. Cánh cửa đó mở ra nhiều cơ hội giúp các em học sinh đạt được những mục tiêu cao hơn trong học tập và chứng minh được năng lực bản thân nơi xứ người. Tùy theo nhu cầu mà các em đặt ra những tiêu chí riêng để đi đến quyết định lựa chọn môi trường học tập phù hợp. Nếu như Vương quốc Anh cổ kính nổi tiếng với nền giáo dục lâu đời nhưng phương pháp giảng dạy luôn cập nhật sáng tạo, bằng cấp được công nhận trên toàn cầu; Canada hiền hòa thanh bình với hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, đòi hỏi cả “đầu vào” lẫn “đầu ra” khắt khe; “xứ sở chuột túi” Úc lại là mảnh đất thu hút rất đông sinh viên châu Á đến du học vì lực hấp dẫn nằm ở nhịp sống phát triển sôi động và tỉ lệ dân trí cao; thì “chàng khổng lồ” Hoa Kỳ cũng không thể thiếu trong bản đồ “địa điểm du học tuyệt vời” vì đất nước này nổi tiếng thân thiện, sẵn lòng chào đón du học sinh quốc tế từ khắp các châu lục đến trải nghiệm hệ thống giáo dục được xếp vào hạng bậc nhất trên thế giới cũng như nền văn hóa đa dạng đặc sắc. Đây không phải là nhận định mang tính chủ quan mà đã được kiểm chứng thông qua số liệu thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ (IIE) liên tục trong nhiều năm, cụ thể trong năm 2010-2011 vừa qua đã có hơn 690.000 du học sinh quốc tế đăng ký vào những học viện giáo dục bậc cao của Hoa Kỳ (tăng hơn 3% so với năm trước). Con số đó đã nói lên được chất lượng và sự đa dạng của nền giáo dục Hoa Kỳ. Vậy chúng ta hãy cùng điểm qua một số ưu điểm sau đây để thấy tại sao Hoa Kỳ hoàn toàn xứng đáng là một điểm đến du học lý tưởng đối với du học sinh nhé!

(Hình minh họa - Sưu tầm từ Internet)
Chất lượng giáo dục đẳng cấp quốc tế:
Có rất nhiều trường từ bậc giáo dục cơ sở đến nâng cao được thành lập phục vụ cho chính người bản xứ và học sinh quốc tế. Cho dù đó là trường công lập hay trường tư thục thì cơ sở vật chất luôn đảm bảo cung cấp cho người học sự tiện lợi tối ưu nhất. Quan trọng hơn cả là đội ngũ giảng viên đứng lớp có học vị chuyên môn và thành tựu nổi bật trong sự nghiệp, là những giáo sư đầu ngành dày dạn kinh nghiệm giảng dạy lẫn kinh nghiệm làm việc thực tế, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sinh viên. Đặc biệt, các trường luôn cập nhật và đòi hỏi từ phía giảng viên phải có phương pháp sư phạm tiến bộ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nhằm tạo hiệu quả tốt nhất trong việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên. Hầu hết các trường đều cung cấp nhiều chương trình đào tạo thuộc tất cả các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống để người học dễ dàng lựa chọn. Bên cạnh đó tên tuổi riêng của từng trường cũng thường gắn liền với một số chương trình đặc biệt được xem như là ngành học thế mạnh đã tạo nên “thương hiệu” của trường qua quá trình hoạt động lâu dài. Chẳng hạn như khi nhắc tới giáo dục Hoa Kỳ, những người đã từng quan tâm tới thông tin du học không thể không biết đến những cái tên như: Stanford University, Harvard, Yale, Cornell, California Institute of Technology, UC Berkeley, University of Pennsylvania, MIT (Massachusetts Institute of Technology), John Hopkins, Northwestern University, v.v…
Một yếu tố góp phần khẳng định chất lượng giáo dục đẳng cấp quốc tế Hoa Kỳ chính là trường luôn ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại kể cả dụng cụ chuyên ngành đặc biệt để phục vụ cho nhu cầu học tập của sinh viên vì hơn ai hết họ hiểu rằng việc áp dụng lý thuyết vào thực tế mang tầm quan trọng rất lớn với cả người học lẫn nhà trường. Đó có thể xem như một cách đầu tư thông minh vì vừa thu hút sinh viên đến trường, mang lại nguồn cảm hứng học tập vừa giúp sinh viên phát huy tiềm năng của bản thân, nhận biết đúng về khả năng cá nhân trong dịp thực tập cọ xát với thực tiễn nghề nghiệp tương lai.
Bằng cấp được công nhận trên phạm vi toàn cầu
Hệ thống các trường từ trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học Hoa Kỳ nếu muốn tồn tại hoạt động lâu dài và tạo uy tín đối với sinh viên đều phải đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng của các cơ quan, tổ chức thẩm định giáo dục chuyên nghiệp. Có thể thấy vai trò quan trọng nhất của công tác thẩm định là nhằm đảm bảo chương trình giáo dục của trường sẽ cho ra đời “những sản phẩm đào tạo hoàn hảo” - những bộ óc có tư duy sâu rộng, sáng tạo xứng đáng sở hữu trong tay tấm bằng tốt nghiệp có giá trị thực tế chứ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa là mảnh giấy chứng nhận trình độ học vấn cao hay thấp. Điều đó có nghĩa một khi muốn đạt chứng nhận thẩm định từ một tổ chức có uy tín thì ban quản lý nhà trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như thỏa mãn tất cả những đòi hỏi nghiêm ngặt nhất được quy định trong tiêu chuẩn thẩm định chuyên ngành. Chính vì vậy mà bằng cấp của các trường Hoa Kỳ luôn được công nhận rộng rãi không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn vươn ra phạm vi thế giới. Mảnh bằng tốt nghiệp chỉ thực sự có ý nghĩa sử dụng khi được đánh giá cao bởi các tổ chức thẩm định về mặt chuyên môn, và người chủ sở hữu của nó có được săn đón, chào mời bởi các nhà tuyển dụng một cách nồng nhiệt hay không chính là minh chứng cho giá trị thực tế về chất lượng giáo dục của tổ chức đã cấp bằng. Cho nên khi lựa chọn trường, ngoài những tiêu chí cá nhân, người học cần tỉnh táo tham khảo thêm các nguồn đánh giá, bình chọn có uy tín trước khi đưa ra quyết định cuối cùng (Forbes, U.S News and World Report, The College Board, Princeton Review, Peterson’s, The Common Application, College Confidential, …. là một số nguồn phổ biến và khá hữu ích).
Học luôn đi đôi với hành
Tại Hoa Kỳ, sinh viên không bao giờ thiếu cơ hội thực hành những gì đã học được ở giảng đường vì hầu hết các trường cao đẳng, đại học đều liên kết chặt chẽ với nhiều đơn vị tuyển dụng, công ty, thậm chí các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật hiện đại nhất trong tất cả các lĩnh vực liên quan. Nhờ đó, sinh viên có dịp thu nhặt vô số kinh nghiệm quý báu vì được cọ xát với thực tiễn trong quá trình thực tập. Nhiều trường đại học còn đòi hỏi thực tập như một điều kiện không thể thiếu đối với sinh viên muốn tốt nghiệp. Đây là ưu điểm nổi bật và là hệ quả tất yếu chỉ được hình thành ở những nền giáo dục phát triển chuyên nghiệp.
Cộng đồng văn hóa đa dạng tạo nên môi trường sống sôi động đầy màu sắc
Đất nước Hoa Kỳ nổi tiếng thân thiện. Người dân bản xứ nơi đây sẵn sàng chấp nhận và cư xử hào hiệp với người mới nhập cư. Mặc dù như bất kỳ quốc gia nào khác, tình trạng phân biệt tuy có tồn tại ở Hoa Kỳ nhưng ít phổ biến. Lòng hiếu khách, sự cởi mở, óc hài hước và phóng khoáng của dân bản xứ là câu trả lời của đa số sinh viên quốc tế khi được hỏi về “ấn tượng Mỹ đáng nhớ nhất”. Điều này cũng một phần giải thích được vì sao quốc gia này lại có tên gọi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - miền đất tập hợp số lượng sắc tộc nhiều nhất, đứng đầu danh sách các nước có tỉ lệ nhập cư cao hiện nay (năm 2010, tỉ lệ nhập cư chiếm 13% dân số tương đương 43 triệu người – theo khảo sát của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam).
Thời gian học linh hoạt
Chương trình học Hoa Kỳ khá linh hoạt nên phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Sinh viên có thể học theo phương pháp đào tạo chính quy hay đào tạo từ xa, quyết định môn học, số lượng môn học và giờ học tùy theo nhu cầu, mục đích cá nhân hay thời gian biểu riêng. Nền giáo dục Hoa Kỳ chủ trương đào tạo theo phương pháp “cá thể hóa”, tức đặt người học ở vị trí trung tâm nên sinh viên luôn được coi trọng và nhận được sự quan tâm đúng mực từ phía giảng viên. Cho dù lựa chọn học theo hình thức đào tạo nào (toàn thời gian, bán thời gian) thì “chàng khổng lồ” Mỹ vẫn làm hài lòng những “thượng đế sinh viên” khó tính nhất.
Môi trường lý tưởng để trải nghiệm cuộc sống du học sinh
Theo thống kê hàng năm, số sinh viên sống trong ký túc xá luôn đạt kết quả học tập cao hơn và ổn định hơn số sinh viên sống ở khu vực bên ngoài. Do đó, hầu hết các trường đều khuyến khích sinh viên nên chọn hình thức ở ký túc xá trong ít nhất một năm học đầu tiên. Nhiều trường còn quy định đây là điều kiện bắt buộc đối với sinh viên đăng ký xét tuyển. Ngoài mục tiêu điểm số học tập khả quan, nhà trường còn muốn trao cho sinh viên cơ hội trải nghiệm đời sống thực tế của một du học sinh tại Mỹ vì đó sẽ là quãng thời gian khó quên nhất trong cuộc đời của mỗi người. Những người bạn từ thời sinh viên thường trở thành tri kỷ và những kinh nghiệm học hỏi được từ bạn bè quốc tế sẽ là bài học vô giá không gì có thể đánh đổi. Ngoài kiến thức chuyên ngành, những ngày tháng sống xa quê hương giữa một môi trường năng động vốn nhiều ưu điểm nhưng cũng lắm gian nan và thử thách sẽ giúp những “cậu ấm, cô chiêu” ngày nào trưởng thành hơn, bản thân tự hình thành kỹ năng tồn tại và phát triển vững vàng hơn.
Nơi nuôi dưỡng tài năng của nhiều nhà lãnh đạo quốc gia và nhà nghiên cứu khoa học thế giới
Thật sự khó kể hết danh sách tất cả các vị lãnh đạo quốc gia từng học tập tại Hoa Kỳ nhưng có lẽ cũng không quá bất ngờ khi biết được trong số đó có những nhân vật nổi tiếng sau đây:
- Pierre Elliott Trudeau – Thủ tướng Canada
- Ernst Carl Julius Albrecht – Thủ tướng Đức
- Kang Young Hoon – Thủ tướng Nam Triều Tiên
- Goh Chok Tong – Thủ tướng Singapore
- Suleyman Demirel – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
- ……………
Nói đến các nhà khoa học đã đoạt giải Nobel thì phải kể tới những con số ấn tượng sau:
- 73 vị xuất thân từ đội ngũ ban giảng huấn, sinh viên và nhà nghiên cứu của trường Đại học Chicago (University of Chicago).
- 38 giải Nobel thuộc về những thành viên của ban giảng huấn và cựu sinh viên trường Đại học Harvard.
- 17 giải Nobel đã được vinh danh trao cho các nhà nghiên cứu và giáo sư trường Đại học California – Berkeley (University of California at Berkeley)
- …… Và còn rất nhiều giải thưởng Nobel đã trao tặng cho những giáo sư, giảng viên lẫn cựu sinh viên từ các trường Hoa Kỳ khác.
(Hình minh họa - Sưu tầm từ Internet)
Đầu tư cho giáo dục là hình thức đầu tư thông minh và không bao giờ lãng phí. Một đất nước chỉ phát triển toàn diện khi nền giáo dục được quan tâm đầu tư đúng mức và lâu dài. Từ một số ưu điểm nêu trên có thể thấy giáo dục Hoa Kỳ đã và đang đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết để được gọi là nền giáo dục toàn diện. Nền giáo dục đó đã cho ra đời những “sản phẩm” chất lượng toàn cầu với khả năng lãnh đạo vượt trội đưa đất nước tiến bộ đi lên đồng thời là nguồn nhân lực quý giá thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu. Hi vọng bài viết này sẽ giúp những bạn sinh viên nào đang ấp ủ kế hoạch du học trong tương lai xác địch được hướng đi đúng đắn cho dự định của mình và không quên tìm hiểu thêm về du học Hoa Kỳ - Cánh cửa tiếp cận kho tàng tri thức nhân loại!
(Nguồn EduPath)